Vĩnh Long xác định Phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững.

Ở vị trí trung tâm châu thổ đồng bằng sông Cửu Long, giữa sông Tiền và sông Hậu, đất đai màu mỡ, khí hậu thuận lợi, tỉnh Vĩnh Long có tiềm năng lớn phát triển các loại lúa, màu, cây ăn quả. Phát huy thế mạnh này, Nghị quyết 03 ngày 1/12/2021 của Tỉnh ủy Vĩnh Long về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang phát triển kinh tế nông nghiệp, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Quá trình triển khai, bên cạnh thuận lợi cũng còn nhiều khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân.

Thay đổi tư duy sản xuất

Ngoài cây lúa, tỉnh Vĩnh Long có nhiều sản phẩm nông sản đã được thị trường biết đến như bưởi năm roi, cam sành, chôm chôm, nhãn, sầu riêng, xà-lách xoong, khoai lang tím… Tuy nhiên, thương hiệu sản phẩm chưa nổi bật, thiếu sức hút đối với người tiêu dùng cho nên thị trường tiêu thụ còn hạn chế và không ổn định.

Những năm gần đây, Vĩnh Long chú trọng phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp. Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy xác định, xây dựng tỉnh thành địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp; chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp thuần tuý sang phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả, đa dạng, theo yêu cầu của thị trường; từ phát triển số lượng sang chất lượng, tập trung ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ kỹ thuật số vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm…

Đây là những bước cụ thể hoá mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra là huy động mọi nguồn lực, đổi mới, sáng tạo, phấn đấu đưa Vĩnh Long trở thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững vào năm 2025.

Huyện Bình Tân được mệnh danh là “thủ phủ khoai lang”. Rất nhiều hộ gia đình khá giả từ trồng khoai. Tuy nhiên nhiều năm qua, người trồng không tránh khỏi tình trạng được mùa thì rớt giá. Nhất là do phần lớn được xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, khiến trong hơn 2 năm xảy ra dịch Covid-19, khoai được thu mua ít và giá giảm xuống mức rất thấp. Nhiều hộ đã chuyển sang trồng lúa, rau màu, cây ăn trái.

Trước tình hình đó, huyện xác định giữ cây chủ lực của địa phương, ổn định sản xuất và giá thành sản phẩm bằng xuất khẩu chính ngạch. Để thực hiện thì trước tiên phải thay đổi tập quán sản xuất truyền thống của người dân, áp dụng các biện pháp kỹ thuật bảo đảm yêu cầu tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu. Đây là bước chuyển đổi quan trọng, bởi không chỉ cây khoai, cả ngành nông nghiệp của huyện với nhiều sản phẩm nông sản chất lượng cũng cần cơ cấu lại theo hướng sản xuất gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Cuối tháng 4/2023, tại huyện Bình Tân, chuyến hàng 28 tấn khoai lang lần đầu được xuất khẩu theo đường chính ngạch sang Trung Quốc. Sự kiện này tạo động lực cho việc thực hiện các kế hoạch đổi mới trong lĩnh vực nông nghiệp của chính quyền và bà con nhân dân trong huyện.

Đồng chí Nguyễn Văn Tập, Chủ tịch UBND huyện Bình Tân cho biết: Huyện có diện tích trồng khoai lang lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long với khoảng 10 nghìn ha/năm, sản lượng trung bình hơn 300 nghìn tấn/năm. Để có chuyến hàng này, huyện đã tiến hành công tác chuẩn bị từ lâu, xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, hướng dẫn nông dân thay đổi từ kiểu canh tác truyền thống sang canh tác theo quy trình kỹ thuật nhằm đạt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất và nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị canh tác.

_____________________________________________________________________

Để có chuyến hàng này, huyện đã tiến hành công tác chuẩn bị từ lâu, xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, hướng dẫn nông dân thay đổi từ kiểu canh tác truyền thống sang canh tác theo quy trình kỹ thuật nhằm đạt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất và nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị canh tác.

Đồng chí Nguyễn Văn Tập, Chủ tịch UBND huyện Bình Tân

_____________________________________________________________________

Đây là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị nhằm khẩn trương khắc phục những khó khăn sau đại dịch Covid-19, tạo bước tiến quan trọng trong sản xuất và phát triển kinh tế của địa phương.

Hiện, diện tích trồng khoai lang ở Bình Tân đang được khôi phục nhanh nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong đó có 220 ha được chứng nhận VietGAP và sản xuất theo hướng IPM-Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng (sử dụng các phương tiện kỹ thuật và biện pháp thích hợp nhằm hạn chế tác hại của sâu bệnh), giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật độc hại tồn dư trên sản phẩm, bảo đảm sức khỏe người lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm, cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng và tăng lợi nhuận trên mỗi đơn vị diện tích canh tác.

Huyện cũng đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng cho 251 ha khoai lang. Nhiều chương trình và mô hình khác được nông dân ứng dụng kỹ thuật cao đem lại hiệu quả kinh tế như: Mô hình sạ lúa theo khóm, trồng rau trong nhà lưới, trồng cây ăn quả bằng hệ thống tưới phun, mô hình trồng chuyên canh hành lá, mô hình trồng mít, sầu riêng, mận An Phước…

Cùng với huyện Bình Tân, nhiều địa phương khác trong tỉnh đang đẩy mạnh chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và hiệu quả. Qua đó, sản xuất nông nghiệp chuyển dần sang kinh tế nông nghiệp, giá trị thu hoạch trên một đơn vị diện tích không ngừng tăng lên. Năm 2021, giá trị thu hoạch trên một đơn vị diện tích trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 350 triệu đồng/ha/năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 11 đề ra (chỉ tiêu là 280 triệu đồng/ha/năm).

Nền tảng cho phát triển bền vững

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Văn Dũng cho biết: Các địa phương đạt được những kết quả tích cực trong xây dựng nông thôn mới kết hợp phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cơ cấu lại kinh tế nông thôn, phát triển các sản phẩm OCOP, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng. Riêng lĩnh vực trồng trọt có sự chuyển dịch mạnh; người dân chuyển dần các diện tích sản xuất lúa sang trồng cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Diện tích cây ăn quả tăng nhanh, cuối năm 2022 đạt hơn 57 ha (tăng gần 15% so năm 2020), tăng nhiều nhất là diện tích cây cam sành, sầu riêng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai các mô hình khuyến nông nhằm hướng dẫn, phổ biến tiến bộ kỹ thuật, quy trình canh tác tiên tiến cho người dân.

Năm 2023, ngành chú trọng triển khai các dự án khuyến nông tập trung cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết 03-NQ/TU của Tỉnh ủy. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vẫn còn không ít khó khăn như: Sản xuất quy mô nhỏ lẻ, khó có thể xây dựng mã số vùng trồng, chất lượng một số nông sản chưa được quan tâm đúng mức, liên kết và tiêu thụ chưa đáp ứng nhu cầu.

Thị xã Bình Minh có ngành nông nghiệp phát triển đa dạng, nhiều loại cây ăn trái, rau màu từ lâu đã nổi tiếng như bưởi năm roi Mỹ Hòa, bắp nếp Bình Minh, cải xà-lách xoong… Địa phương cũng tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Trong năm 2022, người dân đã cải tạo, chuyển đổi hơn 145 ha đất lúa thành vườn và 9 ha đất lúa sang trồng màu. Rất nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao đang được triển khai thực hiện.

Theo đồng chí Huỳnh Thái Nho, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng nhưng chưa vững chắc. Các mô hình kinh tế có hiệu quả nhưng khả năng nhân rộng hạn chế. Việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn ít; giá cả một số mặt hàng nông sản thấp, đầu ra gặp khó khăn. Đây là những hạn chế, thách thức mà địa phương cần nỗ lực vượt qua.

Là vùng chuyên canh xà-lách xoong, xã Thuận An (thị xã Bình Minh) từ lâu đã nổi tiếng với sản phẩm này nhưng do vẫn trồng theo phương thức truyền thống cho nên năng suất, chất lượng phụ thuộc lớn vào thời tiết. Có những thời điểm nắng nóng gay gắt, nhu cầu tăng cao mà không có hàng để bán do rau khó sống ngay cả khi người trồng đã canh giờ để tưới rau liên tục.

Để bảo đảm tiêu chuẩn VietGAP, người dân đã sử dụng phân hữu cơ vi sinh, làm sạch rau sau thu hoạch bằng máy xử lý khí ozone, nhưng việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn gặp nhiều khó khăn do nhận thức cũng như điều kiện kinh tế của người dân. Đây là vấn đề đòi hỏi chính quyền địa phương nỗ lực hơn nữa trong công tác phổ biến, hướng dẫn, vận động cũng như hỗ trợ người dân.

Bí thư Đảng ủy xã Thuận An Nguyễn Văn Xinh chia sẻ: Xã đã đề nghị Phòng Kinh tế thị xã sớm thực hiện kế hoạch hỗ trợ đầu tư phát triển vùng nguyên liệu xà-lách xoong ấp Thuận Thành (giống cải đã có từ rất lâu đời ở địa phương, thân nhỏ, ngon, nhiều chất bổ dưỡng); xây dựng mô hình chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, mô hình sản xuất nông nghiệp có hệ thống tưới tự động tuần hoàn để người dân được tiếp cận, nhân rộng; hỗ trợ các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại.

Cùng với đó, ban, ngành, đoàn thể xã, ấp tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân tiếp cận các ứng dụng chuyển đổi số của chính quyền, biết sử dụng phương thức thanh toán điện tử đối với các dịch vụ; vận động Tổ hợp tác cải xà-lách xoong Thuận Thành lên Hợp tác xã Nông nghiệp có ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành. Xã phấn đấu trong năm 2023 có ít nhất một mô hình liên kết chuỗi cho sản phẩm nông sản chủ lực gắn với kinh tế tuần hoàn và sử dụng công nghệ cao; tỷ lệ sản phẩm OCOP được bán qua kênh thương mại điện tử đạt từ 10% trở lên.

Những vấn đề đặt ra ở cơ sở cho thấy để phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, các địa phương trong tỉnh cần tiếp tục nỗ lực tập trung thực hiện hiệu quả các nội dung Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy. Cùng với đó, các cấp chính quyền địa phương cần tích cực tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân về sản xuất theo hướng hiện đại, làm chủ các công nghệ mới được ứng dụng, chuyển giao.

Về vấn đề này, HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 45, ngày 14/12/2022, trong đó quy định các chính sách hỗ trợ việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nhất là hỗ trợ điều kiện cần về cơ sở vật chất, phần cứng tạo nền móng cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ theo hướng bền vững.

Đồng chí Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Để phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, tỉnh luôn xác định quy hoạch vùng trồng là nhiệm vụ quan trọng, vừa bảo đảm mục tiêu xây dựng vùng hàng hóa tập trung, vừa giúp cho công tác đầu tư đúng mục tiêu, tránh dàn trải. Hiện nay, tỉnh đã xây dựng kế hoạch sản xuất cây trồng chủ lực và tiềm năng để định hướng phát triển và tổ chức sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt; dự kiến đến năm 2030, diện tích đạt 169.500 ha, sản lượng khoảng 2,6 triệu tấn/năm.

_____________________________________________________

Hiện nay, tỉnh đã xây dựng kế hoạch sản xuất cây trồng chủ lực và tiềm năng để định hướng phát triển và tổ chức sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt; dự kiến đến năm 2030, diện tích đạt 169.500 ha, sản lượng khoảng 2,6 triệu tấn/năm.

Đồng chí Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh

_____________________________________________________

Thời gian tới, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo nghiên cứu bổ sung các chỉ tiêu về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vào nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch hành động phát triển kinh tế-xã hội hằng năm; chỉ đạo phát triển vùng cây trồng theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại; triển khai các giải pháp kết nối mở rộng thị trường và kênh phân phối cho sản phẩm nông sản; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia chuỗi cung ứng, thương mại điện tử…

0908 551 477