Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

1. Quan điểm phát triển tỉnh

–  Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội thời kỳ trước xác định “Ninh Thuận là điểm đến của Việt Nam trong tương lai”, với việc đưa ra các chiến lược mới đi đầu trong cả nước, tạo nên bước phát triển đột phá của tỉnh Ninh Thuận trong thời gian qua. Tuy nhiên, lợi thế của “ người đi đầu” trong thời gian tới không còn nữa, trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt của các địa phương có điều kiện tương đồng (thậm chí lợi thế hơn), nếu tiếp tục với tư tưởng phát triển cũ sẽ không còn phù hợp. Vì vậy quy hoạch tỉnh Ninh Thuận lần này được xây dựng dựa trên tư tưởng phát triển mới về một Ninh Thuận – Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”.

Tư tưởng này cho phép Ninh Thuận tiếp tục khai thác những tiềm năng, thế mạnh đặc thù của tỉnh đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút đầu tư. Tư tưởng này cũng phù hợp với xu thế phát triển đổi mới sáng tạo, đón đầu những xu hướng phát triển mới, đưa Ninh Thuận trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước về năng lượng tái tạo, du lịch đặc thù, nông nghiệp công nghệ cao…

– Xây dựng quy hoạch tỉnh Ninh Thuận từ quan điểm phát triển tổng quát Tổng hợp nguồn lực; Liên kết phát triển và Tạo dựng giá trị khác biệt, trong đó việc thu hút tối đa các nguồn lực trên cơ sở nâng cao năng lực cạnh tranh và phát huy những tiềm năng, thế mạnh đặc thù của tỉnh là động lực quan trọng để phát triển, đồng thời liên kết phát triển và tạo dựng những giá trị khác biệt giữ vai trò then chốt, quyết định việc thành công của sự phát triển trong giai đoạn tới.

 – Những quan điểm phát triển cụ thể:

1) Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải phù hợp với các chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước; thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của cả nước giai đoạn 2021-2030, phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030; phù hợp với chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; bảo đảm tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, phù hợp với hệ thống quy hoạch cấp quốc gia;

2) Phát triển nhanh gắn liền với đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học – công nghệ, phát triển nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các bon thấp hướng tới phát triển bền vững nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế của tỉnh;

3) Phát huy lợi thế địa lý của tỉnh là cửa ngõ kết nối các vùng để đẩy mạnh liên kết phát triển giữa Ninh Thuận với vùng Đông Nam Bộ, các tỉnh phía Nam vùng Tây Nguyên và các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung;  tập trung ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng trọng điểm theo hướng hiện đại, đồng bộ, kết nối liên thông đa mục tiêu và tăng cường liên kết vùng;

4) Khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh, khác biệt về điều kiện tự nhiên, thiên nhiên như: Nắng, gió, biển, rừng; về lịch sử truyền thống cách mạng, bản sắc văn hoá; tận dụng các điều kiện thuận lợi để phát triển phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo, du lịch, công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển, kinh tế đô thị, tạo ra những sản phẩm hấp dẫn và giá trị khác biệt để phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

5) Phát huy tối đa yếu tố con người; coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; gắn giáo dục, đào tạo, đào tạo lại đội ngũ lãnh đạo, đội ngũ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật với thị trường lao động; nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi và vùng ven biển;

6) Tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc; sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường;

7) Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng – an ninh và trật tự an toàn xã hội; chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế.

2. Xây dựng kịch bản phát triển và lựa chọn phương án phát triển tỉnh

2.1. Căn cứ và quy trình xây dựng kịch bản phát triển

2.1.1. Căn cứ xây dựng kịch bản phát triển kinh tế

Các kịch bản phát triển của Tỉnh Ninh Thuận trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 được xây dựng dựa trên các căn cứ: các lý thuyết cụ thể về phát triển và phát triển bền vững; Phát triển mang tư duy chiến lược; Quản trị tiên liệu; Bối cảnh quốc tế; Bối cảnh kinh tế Việt Nam; Bối cảnh kinh tế của tỉnh Ninh Thuận.

2.1.2.  Quy trình xây dựng kịch bản phát triển 

Quy trình xây dựng kịch bản phát triển thực hiện qua 02 bước: (1) Xây dựng kịch bản cơ sở: Kịch bản này cho biết hiện trạng phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn Tỉnh giai đoạn quá khứ đến hiện tại tìm ra những điểm mạnh và điểm yếu trong sự phát triển kinh tế của Tỉnh. (2) Xây dựng giả định và quản trị tiên liệu: Bước này sẽ tiến hành xây dựng các giả định phát triển trong tương lai. Các giả định và quá trình quản trị tiên liệu được xây dựng dựa trên các căn cứ về góc độ lý thuyết kết hợp với các kết quả tính toán được từ kịch bản cơ sở.

Mô hình dự báo GRDP là mô hình ARIMA, được sử dụng để dự đoán và khai phá các dữ liệu trong lĩnh vực kinh tế học. Phương pháp ước lượng và dự báo này gồm 4 bước: (1) Xác nhận mô hình thử nghiệm; (2) Ước lượng tham số; (3) Kiểm định bằng chẩn đoán và (4) Dự báo.

2.2. Xây dựng kịch bản phát triển

Kịch bản cơ sở được hiểu là kịch bản dự báo dựa trên hiện trạng phát triển của Tỉnh trong giai đoạn vừa qua. Dựa vào bộ dữ liệu GRDP của tỉnh Ninh Thuận từ năm 2001 đến 2020 do Cục Thống Kê Ninh Thuận cung cấp, với giá so sánh năm 2010 tiến hành lựa chọn dạng mô hình dự báo ARIMA. Với dữ liệu hiện trạng, tổng cộng có 20 quan sát.

Với kịch bản cơ sở (dựa trên khả năng tăng trưởng kinh tế của Tỉnh), trong giai đoạn 2021 – 2030, nền kinh tế của Tỉnh có thể đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 9,4%/năm; trong giai đoạn 2021 – 2025 đạt trung bình 10,6%/năm và giai đoạn 2026 – 2030 đạt 8,1%/năm.

Từ hình trên có thể thấy, 3 cột của đồ thị ACF, 1 cột của đồ thị PACF chạm và vượt quá giới hạn, chình vì vậy xác định được p = 1 và q = 4. Từ đó mô hình để dự báo GRDP là mô hình ARIMA (1,2,4). Kết quả kiểm định mô hình ARIMA (1,2,4) cho thấy mô hình là phù hợp trong dự báo.

Căn cứ các lý thuyết áp dụng cho xây dựng kịch bản phát triển, trên cơ sở thực trạng và phân tích, dự báo bối cảnh phát triển của quốc tế, kinh tế Việt Nam, kinh tế của tỉnh Ninh Thuận trong giai đoạn tới, Nhóm tư vấn đưa ra 03 kịch bản phát triển, cụ thể:

1.1.1. Kịch bản 1: Tăng trưởng trung bình (Dựa trên điều kiện phát triển bình thường, không có nhiều yếu tố mới)

Tăng trưởng trung bình, dự kiến đến năm 2025 GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 108 triệu đồng; Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn 2021-2025 đạt 8,5%, giai đoạn 2026-2030 đạt khoảng 10,3%; trung bình giai đoạn 2021 – 2030 đạt 9,4-9,5%.

Căn cứ đề xuất kịch bản:

a) Môi trường quốc tế: Tình hình an ninh chính trị, kinh tế thế giới và khu vực bên cạnh mặt thuận lợi, tiếp tục có những diễn biến phức tạp, mang tính toàn cầu như thiên tai, biến đổi khí hậu, bệnh dịch; những tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền; vấn đề an ninh phi truyền thống như an ninh mạng, an ninh môi trường, an ninh lương thực; tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, xung đột kinh tế giửa các cường quốc,…; nền kinh tế thế giới tiếp tục gặp khó khăn, khả năng phục hồi trở lại chậm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Quá trình toàn cầu hóa, cuộc cánh mạng công nghệ 4.0 kéo theo sự phân phối cơ hội và lợi ích kinh tế không đồng đều, phá vở sự cân bằng thị trường lao động, có thể làm gia tăng sự bất bình đẳng, làm sâu sắc thêm sự phân hóa giàu nghèo giữa các quốc gia và trong nội bộ mỗi quốc gia. Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới các dòng lưu chuyển vốn, hàng hóa và con người trên thế giới, dẫn đến áp lực giảm vốn FDI.

b) Môi trường trong nước: Môi trường đầu tư còn nhiều điểm yếu, chậm được khắc phục, như hạn chế về năng lực quản lý, kết cấu hạ tầng, thủ tục đầu tư, thiếu lao động có kỹ năng, công nghiệp phụ trợ và mạng lưới logistics… Năng lực các doanh nghiệp trong nước, nhất là trong lĩnh vực công nghệ trong mạng lưới sản xuất toàn cầu; những khó khăn thách thức bắt nguồn từ hậu quả của dịch Covid-19 và những yếu kém nội tại của nền kinh tế. Bên cạnh đó, khả năng tận dụng lợi thế của quá trình hội nhập quốc tế còn nhiều hạn chế, thách thức trong việc hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và toàn cầu, tận dụng các FTA và cơ hội đón nhận các dòng vốn đầu tư dịch chuyển khỏi Trung Quốc do những tắc nghẽn tích tụ qua nhiều năm chưa được giải quyết triệt để như vấn đề thể chế, vấn đề môi trường kinh doanh, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân, các rào cản về khoa học công nghệ, sự tham gia trong chuỗi giá trị toàn cầu thấp… Vấn đề già hóa dân số gây suy giảm tăng trưởng và tạo thu nhập; thách thức trong việc đảm bảo hạ tầng an sinh xã hội.

c) Môi trường trong Tỉnh: Giai đoạn 2021-2025 Tỉnh vẫn tiếp tục phải đối mặt với khó khăn, thách thức; đó là: chưa khai thác được tốt các động lực trong phát triển kinh tế; Mô hình liên kết tổ chức sản xuất chưa có sự gắn kết chặt chẽ; chất lượng nguồn nhân lực thấp chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới; chậm cải thiện trong môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư. Trình độ quản lý, quản trị của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn thấp, sức cạnh tranh yếu; doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa chiếm đa số, năng lực tài chính nhỏ bé; khả năng hấp thụ vốn của các thành phần kinh tế yếu, chuyển đổi nhận thức của người dân sang hướng sản xuất hàng hóa chậm… đó là những lực cản trở không nhỏ đến thúc đẩy phát triển.

1.1.2. Kịch bản 2: Tăng trưởng khá (Dựa trên nền tảng cũ và xuất hiện một sổ yếu tố mới thuận lợi)

Tăng trưởng khá với GRDP bình quân đầu người của tỉnh đạt 113-115 triệu đồng năm 2025; tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn 2021- 2025 đạt khoảng 10,6%. Đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người đạt 200 triệu đồng; tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn 2026 – 2030 đạt khoảng 11,0% và tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 – 2030 đạt khoảng 10,8%/năm.

 Căn cứ xây dựng kịch bản:

a) Môi trường quốc tế: Kinh tế thế giới được dự báo sẽ phục hồi, tăng 0,23% trong năm 2021 và tiếp tục mạnh hơn vào những năm tiếp theo, đồng thời cũng kéo mức tăng trưởng của các nền kinh tế khác; nhờ nỗ lực kiểm soát dịch và các gói kích thích kinh tế của các chính phủ; Sự phục hồi của các nền kinh tế/khu vực chủ chốt, đặc biệt là Trung Quốc và Mỹ; sự phát triển nhanh của kinh tế chia sẻ và Cách mạng Công nghiệp 4.0. Xu hướng toàn cầu hóa, dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu, Nguồn vốn FDI tiếp tục lưu chuyển trên phạm vi toàn cầu và đóng vai trò quan trọng đối với các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.

b) Môi trường trong nước: Môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện minh bạch, hiệu quả cùng với việc hội nhập sâu, rộng với nền kinh tế thế giới với hàng loại hiệp định thương mại quốc tế cả song phương và đa phương đã được ký kết và thực hiện như: CPTPP, EVFTA, ASEAN (AEC)…; xu hướng dịch chuyển các dòng vốn đầu tư FDI từ Trung Quốc và các nước phát triển sang Việt Nam để nắm bắt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do. Mô hình kinh tế tiếp tục được chuyển đổi phát triển theo chiều sâu; Hệ thống tài chính khá ổn định, điều hành tài chính và tiền tệ tương đối linh hoạt; lạm phát được kiểm soát; Dịch bệnh Covid-19 có thể được kiểm soát và nền kinh tế trong nước có dấu hiệu được phục hồi. Chính phủ quyết tâm xây dựng một “Chính phủ kiến tạo, hành động, liêm chính và minh bạch” tăng cường và nâng cao cơ chế, chính sách tạo động lực đối với các thành phần kinh tế, nhằm tạo điều kiện thuận lợi và tốt nhất cho nền kinh tế phát triển nhanh, mạnh, bền vững, sáng tạo. Cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, nhiều công trình hạ tầng, giao thông lớn trong cả nước được hoàn thành trong giai đoạn này tạo ra những cú hích đối với phát triển kinh tế.

c) Môi trường Tỉnh: Các của Tỉnh có khá nhiều thay đổi có tính Phát huy tốt yếu tố động lực phát triển về du lịch, cơ sở hạ tầng về giao thông, khu công nghiệp, đô thị, giao thương hàng hóa,.. tạo đột phá cho phát triển tỉnh. Mô hình tổ chức liên kết sản xuất theo các tiểu vùng phát triển, phát huy được bản sắc, nội lực của từng tiểu vùng. Chất lượng nguồn nhân lực nâng lên nhanh, nhất là chất lượng lao động cung ứng cho các khu công nghiệp, doanh nghiệp. Ứng dụng và làm chủ được khoa học công nghệ trong sản xuất. Môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư từng bước được cải thiện và có hiệu quả, cơ chế chính sách được cải cách, đổi mới tích cực, phát huy được nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển của tỉnh.

Nền kinh tế có khả năng phục hồi khá sau đại dịch Covid-19 với động lực tăng trưởng đến từ nhóm ngành công nghiệp với trọng tâm là năng lượng tái tạo, điện khí; Liên kết vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và miền Đông Nam Bộ cũng như các chương trình hợp tác giữa Ninh Thuận với các địa phương đã ký kết được triển khai một cách toàn diện; Ninh Thuận xây dựng thành công trung tâm sản xuất tôm giống có chất lượng cao của cả nước, điều này sẽ tạo điều kiện thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế Tỉnh một cách nhanh chóng. Các dự án lớn trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng tái tạo triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ. Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện; Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc kinh tế theo hướng tăng trương nhanh, hiệu quả. Nhiều khu công nghiệp, các dự án năng lượng được đầu tư và đi vào hoạt động, cũng như sự phát triển của các trung tâm đô thị, Logistic. Bên cạnh đó các tam giác và cực tăng trưởng trên địa bàn Tỉnh phát huy hiệu quả tốt gồm có: (i) – Tam giác tăng trưởng đô thị trung tâm với đô thị trung tâm Phan Rang Tháp Chàm (PRTC) và 03 đô thị vệ tinh: Lợi Hải – Phước Dân – Thanh Hải, hình thành các cực tăng trưởng về công nghiệp – du lịch – thương mại dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; (ii) Cực tăng trưởng Vĩnh Hy với các điểm du lịch độc đáo, các sản phẩm du lịch cao cấp, khác biệt, gắn với bảo tồn hệ sinh thái ven biển, hệ sinh thái tự nhiên. (iii) Tam giác tăng trưởng phía Tây: Chùm đô thị Tân Sơn – Lâm Sơn – Phước Đại, phát triển gắn với du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, năng lượng sạch ;và (iv) Tam giác tăng trưởng phía Nam: Chùm đô thị Phước Nam – Cà Ná – Sơn Hải. Phát triển công nghiệp, cụm cảng tổng hợp Cà Ná với cảng khí LNG, tổ hợp khí Cà Ná, khu công nghiệp Cà Ná, khu kho tàng logistic Cà Ná (trên cơ sở điều chỉnh khu vực dân cư quy hoạch nằm sâu trong tổ hợp CN Cà Ná).

1.1.3. Kịch bản 3: Tăng trưởng đột phá (Dựa trên nền tảng cũ và xuất hiện một số yếu tố đột phá)

Đây là kịch bản phát triển cao; tăng trưởng cao với GRDP bình quân đầu người của Tỉnh đến năm 2025 đạt khoảng 136 triệu đồng; tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 13,3%; Đến năm 2030 thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 241 triệu đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn 2026- 2030 đạt khoảng 13 -14%; và trung bình giai đoạn 2021-2030 tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 13%.

Căn cứ xây dựng kịch bản:

a) Môi trường quốc tế: Sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu với việc Mỹ và Trung Quốc đình chiến trên mặt trận thương mại, dỡ bỏ các biện pháp áp thuế trừng phạt lẫn nhau do ảnh hưởng của Đại dịch Covid. Xu hướng toàn cầu hóa, dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục phát triển về quy mô, mức độ và hình thức biểu hiện, với những tác động tích cực và tiêu cực, cơ hội và thách thức đan xen nhau hết sức phức tạp. Các công ty xuyên quốc gia sẽ có vai trò ngày càng lớn đối với sự phát triển kinh tế của mỗi nước, cũng như của toàn thế giới; quá trình quốc tế hóa sản xuất và phân công lao động sẽ diễn ra ngày càng sâu rộng. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển nhanh đến chóng mặt sẽ làm cho thế giới thay đổi nhanh chóng, phát triển kinh tế tri thức, tạo ra sự thay đổi cơ bản cách sống, phương thức sản xuất và hệ thống quản lý theo hướng tối ưu hóa.

b) Môi trường trong nước: Việt Nam phát huy tốt các động lực tăng trưởng kinh tế trong nước. Kinh tế vĩ mô ổn định và sản xuất của doanh nghiệp, hộ gia đình, phục hồi kích thích cầu tiêu dùng và điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, các cơ hội do Cách mạng Công nghiệp 4.0 và kinh tế chia sẻ mang lại thông qua thương mại điện tử. chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả và bảo vệ môi trường, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu sẽ góp phần tạo một bệ đỡ vững chắc cho sự phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tới. Việt Nam tận dụng tốt các FTA hiện có, và có phương án chuẩn bị cho các FTA sắp có hiệu lực để hiện thực hóa các ưu đãi dành cho doanh nghiệp. Tận dụng cơ hội từ dòng vốn đầu tư dịch chuyển khỏi Trung Quốc.

Nằm trong khu vực dự báo đến năm 2030 có nhiều xu hướng phát triển tích cực, có rất nhiều cơ hội để tăng cường hợp tác, liên kết với các nước; kết cấu hạ tầng kinh tế – kỹ thuật và xã hội của Việt Nam cũng đã có bước phát triển mạnh mẽ và từng bước được hoàn thiện theo hướng đồng bộ và hiện đại; nguồn nhân lực dồi dào, trẻ, có kiến thức, năng động và bước đầu đã được rèn luyện trong môi trường phức tạp của nền kinh tế thị trường.

c) Môi trường Tỉnh: Động lực phát triển của Tỉnh được phát huy một cách mạnh mẽ và có hiệu quả cao. Đầu tư phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hoá có lợi thế, chất lượng và giá trị kinh tế cao và du lịch nghỉ dưỡng sinh thái dựa trên những lợi thế tự nhiên. Với những động lực được đến từ nhiều nhóm ngành khác nhau, cụ thể: (1) ngành nông nghiệp: hình thành được các vùng nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ cao gắn với chế biến, xây dựng tốt hình ảnh và thương hiệu của các sản phẩm chủ lực; chăn nuôi trang trại tập trung được phát triển mạnh theo hướng hiệu quả và giá trị gia tăng cao; xây dựng thành công các mô hình sản xuất tôm giống và tôm công nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ cao đưa Tỉnh trở thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước; kinh tế biển được hình thành và phát triển một cách mạnh mẽ. (2) các ngành công nghiệp năng lượng (điện gió, điện mặt trời, điện khí, thuỷ điện tích năng) được phát triển một cách đồng bộ, hiệu quả cao; Cảng biển và các khu công nghiệp (cảng biển Cà Ná, Khu công nghiệp Cà Ná, Du Long và Phước Nam) được đầu tư mạnh mẽ, đi vào hoạt động với công suất lấp đầy đạt trên 95%. (3) ngành dịch vụ, du lịch được phát triển theo hướng toàn diện, đa dạng hoá và cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ đưa Ninh Thuận trở thành điểm đến quan trọng trong chuỗi du lịch duyên hải miền Trung. Các mô hình tổ chức liên kết sản xuất được hình hành, bảo đảm chất lượng và hiệu quả tăng trưởng kinh tế; chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên, nhất là nhân lực chất lượng cao lĩnh vực quản lý và tổ chức, phát triển công nghệ sản xuất, công nghệ cao. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, trọng tâm là cải cách hành chính, thể chế; phát triển các thành phần kinh tế, tăng cường thu hút đầu tư vào các khu vực đã được quy hoạch.

1.1.4. Lựa chọn kịch bản phát triển

Trong ba kịch bản được phân tích thì mỗi kịch bản đều có những ưu và nhược điểm riêng, trong đó:

+ Kịch bản 1 có tốc độ tăng trưởng thấp nhất và Kịch bản 3 có tốc độ tăng trưởng cao nhất.

+ Đối với Kịch bản 3: Với mô hình tăng trưởng kinh tế trước đây, Kịch bản 3 là kịch bản phù hợp nhất với tốc độ tăng trưởng nền kinh tế cao nhất. Tuy nhiên, việc đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng quá cao sẽ dẫn đến các hệ lụy như dựa nhiều vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, thâm dụng lao động, phụ thuộc quá nhiều vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), năng suất lao động thấp, hiệu quả đầu tư không cao. Mô hình này cũng sẽ dẫn đến các tác động tiềm tàng như ô nhiễm, bất bình đẳng về thu nhập,… Như vậy, mặc dù tốc độ tăng trưởng cao nhưng chất lượng tăng trưởng thấp, đời sống người dân không thật sự được nâng cao.

+ Đối với Kịch bản 1: có tốc độ tăng trưởng chậm hơn và có tính ổn định cao hơn. Tuy nhiên, do tốc độ tăng trưởng chậm nên tỉnh sẽ không thể thực hiện được các mục tiêu về xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của người dân.

+ Đối với Kịch bản 2: trên cơ sở phân tích ưu nhược điểm của từng Kịch bản, bối cảnh tác động và vị thế, vai trò, tiềm năng phát triển tỉnh, đề xuất lựa chọn Kịch bản 2:Tăng trưởng khá (Dựa trên nền tảng cũ và xuất hiện một sổ yếu tố mới thuận lợi) là kịch bản tăng trưởng kinh tế của tỉnh Ninh Thuận trong giai đoạn tới,

Trên cơ sở phân tích bối cảnh tác động và vị thế, vai trò, tiềm năng phát triển tỉnh, đề xuất lựa chọn Kịch bản 2:Tăng trưởng khá (Dựa trên nền tảng cũ và xuất hiện một sổ yếu tố mới thuận lợi) là kịch bản tăng trưởng kinh tế của tỉnh Ninh Thuận trong giai đoạn tới, cụ thể: Đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người đạt 200 triệu đồng; tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn 2021 – 2030 đạt khoảng 10,8%/năm. Trong đó, ngành CN-XD sẽ là động lực tăng trưởng chính của tỉnh (ước đạt 14,5-15,0%/năm) và ngành dịch vụ cũng sẽ đóng vai trò quan trọng (tăng trưởng xấp xỉ 12%/năm). Cơ cấu các ngành kinh tế của tỉnh cũng chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành NLTS (từ 29,1% năm 2021 xuống còn 12,5% năm 2030) và tăng tỷ trọng các ngành CN-XD (từ 33,0% lên 47,3%) và dịch vụ (từ 32,2% lên 40,3%).

Những mục tiêu đặt ra này là phù hợp với khả năng nguồn lực và khả năng thực thi các chương trình, dự án phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới bảo đảm khả thi và có mức phấn đấu cao hơn, bởi các lý do sau:

– Một là: Chuyển đổi mô hình tăng trường, tái cấu trúc nền kinh tế, chính quyền điện tử, quá trình chuyển đổi số được triển khai thuận lợi. Nhiều dự án quy mô lớn đã hình thành tiếp tục phát huy hiệu quả nhất là về năng lượng tái tạo. Đồng thời ở giai đoạn này các dự án có quy mô lớn về Cảng biển, LNG Cà Ná, thủy điện tích năng, các khu đô thị mới, khu du lịch có quy mô lớn dự kiến sẽ được hoàn thành tạo ra nguồn lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

– Hai là: Kết cấu hạ tầng quan trọng như hạ tầng giao thông kết nối các khu vực trong tỉnh, hạ tầng khu công nghiệp, đô thị được nâng cấp, mở rộng nhanh và đồng bộ, mang tính hiện đại hóa cao, tạo cầu nối giao thương cho sự phát triển các ngành, lĩnh vực trong tỉnh.

(Xem chi tiết diễn giải tại Phụ lục 10: Dự báo khả năng thực hiện các mục tiêu tăng trưởng tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030 dựa trên các yếu tố mới thuận lợi)

2. Mục tiêu phát triển

2.1. Mục tiêu tổng quát

Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ứng dụng khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững, kinh tế biển, kinh tế đô thị là động lực, đưa quy mô nền kinh tế đến năm 2025 tăng 1,9 lần và đến năm 2030 tăng khoảng 4 lần so với năm 2020. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh.

2.2. Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030

– Về kinh tế

+ Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoản 10 -11%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 200 triệu đồng.

+ Tỷ trọng GRDP của khu vực công nghiệp – xây dựng khoảng 53 – 54%; khu vực dịch vụ khoảng 34 – 35%; khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản khoảng 12 – 13%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 2 – 3%.

+ Phấn đấu kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP vào năm 2030.

+ Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 50% và tiếp tục duy trì mức trên trung bình của cả nước các năm tiếp theo.

– Về xã hội

+ Dân số tăng bình quân khoảng 1,89%/năm.

+ Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 75 – 80%; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 40%.

+ Chỉ số phát triển con người (HDI) cao hơn trung bình cả nước (duy trì ở mức trên 0,7).

+ Tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia ở cấp học mầm non đạt 60%, cấp tiểu học đạt 92%, cấp trung học cơ sở đạt 92% và cấp trung học phổ thông đạt 78%. Duy trì 100% số đơn vị cấp xã và 100% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, tiến tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi, xóa mù chữ mức độ 2.

+ Số giường bệnh/vạn dân đạt 35 giường; số bác sĩ/vạn dân đạt 11 bác sĩ.

+ Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 55 – 56%; bảo đảm 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và các công trình văn hóa cấp đô thị.

+ Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (theo chuẩn mới) giảm bình quân 1,5- 2%/năm và đến năm 2030 còn dưới 1,5%.

– Về môi trường

+ Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức khoảng 49%.

+ Tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch đạt 100%.

+ Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt khoảng 95%.

+ Tỷ lệ khu, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn xả thải ra môi trường đạt 100%; có 100% cơ sở sản xuất kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường; bảo đảm 100% nước thải được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn tương đương với chất lượng nước thải ra nguồn tiếp nhận dùng cho mục đích sinh hoạt.

– Về kết cấu hạ tầng

+ Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Ninh Thuận, đáp ứng các chỉ tiêu đối với từng đô thị trong tỉnh. Hoàn thành xây dựng cao tốc Bắc – Nam qua địa bàn tỉnh. Nâng cấp, hoàn thiện mạng lưới quốc lộ bảo đảm kết nối, đạt tiêu chuẩn tối thiểu cấp III trở lên. Nâng cấp, mở rộng mạng lưới đường tỉnh đạt tối thiểu cấp IV trở lên; 100% tuyến đường tỉnh, đường địa phương được thảm bê tông nhựa hoặc láng nhựa, bê tông xi măng.

+ Phát triển hệ thống cảng biển Ninh Thuận, gồm khu bến Cà Ná và khu bến Ninh Chữ là cảng tổng hợp quốc gia, đóng vai trò đầu mối khu vực với chức năng bến cảng tổng hợp, hàng rời, hàng container, hàng lỏng/khí.

+ Hoàn thành nâng cấp sân bay Thành Sơn thành Cảng hàng không quốc nội để khai thác lưỡng dụng.

+ Phấn đấu khoảng 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, khoảng 20% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có ít nhất 05 huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong đó có ít nhất 02 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

+ Hạ tầng thông tin và truyền thông tỉnh Ninh Thuận cơ bản đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến toàn trình cho người dân, doanh nghiệp; hoàn thiện hạ tầng 4G, phát triển hạ tầng 5G tại các khu đô thị, khu công nghiệp để hỗ trợ sản xuất thông minh.

– Về bảo đảm quốc phòng, an ninh: Phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn đạt cơ sở vững mạnh toàn diện. Gắn phát triển kinh tế – xã hội với củng cố thế trận quốc phòng – an ninh; xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc; đảm bảo trật tự kỷ cương trong các hoạt động kinh tế – xã hội.

3. Tầm nhìn phát triển đến năm 2050

Tầm nhìn chiến lược phát triển: “Ninh Thuận- Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”; đến năm 2050 Ninh Thuận trở thành tỉnh phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng; phát triển mạnh về kinh tế biển, với khu kinh tế ven biển hiện đại, kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của tỉnh, chiếm trên 55% tổng sản phẩm nội tỉnh, hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc riêng, thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 65%; là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử, hệ sinh thái biển, rừng được bảo tồn và phát huy; ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao so với các địa phương khác trong cả nước, chỉ số phát triển con người (HDI) đạt từ 0,8 trở lên, quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

4. Các nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết và các khâu đột phá phát triển trong thời kỳ quy hoạch

Từ quan điểm phát triển của Quy hoạch tỉnh kết hợp phân tích bối cảnh, xu thế và đánh giá tiềm năng phát triển các ngành, lĩnh vực, các dự án đầu tư…Quy hoạch tỉnh đề xuất lựa chọn:

– 05 cụm ngành, lĩnh vực quan trọng: (1) Năng lượng,năng lượng tái tạo; (2) Du lịch chất lượng cao; (3) Công nghiệp chế biến, chế tạo; (4) Nông nghiệp công nghệ cao; (5) Xây dựng và kinh doanh bất động sản.

– 02 động lực phát triển: Kinh tế biển; Kinh tế đô thị.

– 01 Hạt nhân phát triển: Con người.

– 04 khâu đột phá: Nâng cao năng lực cạnh tranh; Hoàn thiện cơ sở hạ tầng khung; Chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý và sản xuất, đổi mới sáng tạo và Phát triển nguồn nhân lực.

 Đối với 5 cụm ngành quan trọng, việc lựa chọn các cụm ngành này được căn cứ trên một số tiêu chí: tỷ lệ đóng góp vào cơ cấu kinh tế, số lượng lao động, mức độ ảnh hưởng tới các vấn đề môi trường, xã hội của tỉnh, cụ thể là: Tỷ lệ đóng góp của 05 ngành vào cơ cấu kinh tế là 55-56% GRDP toàn tỉnh vào năm 2025 và 71-72% GRDP toàn tỉnh vào năm 2030; Tổng số lượng lao động hoạt động trong 05 ngành kinh tế: 120-140 nghìn lao động, chiếm khoảng 30-35% vào năm 2025 và 160 – 180 nghìn lao động, chiếm 35-40% vào năm 2030.

Về 04 khâu đột phá: được xác định cụ thể như sau

– Nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo đòn bẩy phát triển trên cơ sở kế thừa những giải pháp đã mang lại hiệu quả trong giai đoạn vừa qua; đồng thời xây dựng giải pháp mới để tạo đột phá trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh với trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh, cải cách thủ tục hành chính, minh bạch hoá thông tin để thu hút đầu tư;

– Đẩy mạnh phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng khung tạo động lực thúc đẩy liên kết vùng, trong đó ưu tiên các hạ tầng giao thông, truyền tải năng lượng, thuỷ lợi cấp nước, xử lý nước thải và hạ tầng đô thị;

– Thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý và sản xuất, đổi mới sáng tạo, tập trung vào việc chuyển đổi số và sàn giao dịch điện tử nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, cải cách hành chính, cung cấp các dịch vụ số cho người dân và doanh nghiệp…; ứng dụng các mô hình sản xuất công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng cũng như khắc phục những hạn chế nội tại của tỉnh; đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất các nhân tố tổng hợp; đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng công nghệ vào sản xuất phù hợp với những đặc thù và lợi thế riêng của tỉnh Ninh Thuận, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội;

– Tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt cho những ngành quan trọng như: năng lượng sạch; du lịch chất lượng cao; nông nghiệp đặc thù ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến, và các ngành khác nhằm đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững.

Đối với 02 động lực phát triển tỉnh: kinh tế biển, kinh tế đô thị.

Quy hoạch tỉnh đã phân tích và chỉ rõ 2 động lực phát triển kinh tế xã hội cho Ninh Thuận là Kinh tế biển và Kinh tế đô thị từ đó đề xuất các giải pháp pháp triển tỉnh trên cơ sở 2 động lực này.

– Đối với kinh tế biển: phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế biển giai đoạn 2021 – 2030 tăng bình quân 14 – 15%/năm; đến năm 2025 kinh tế biển chiếm 41-42% GRDP của tỉnh; đến 2030 chiếm 45-46% GRDP. Khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của tỉnh ở các lĩnh vực khác thác và nuôi trồng thuỷ hải sản (tận dụng lợi thế của vùng biển nước trồi); phát triển hàng hải và cảng biển, công nghiệp ven biển; du lịch biển; điện gió ngoài khơi…

– Đối với kinh tế đô thị: mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 kinh tế đô thị chiếm 75% GRDP của tỉnh; đến 2030 chiếm 85% GRDP. Phát triển đô thị, hoàn thiện kết cấu hạ tầng; khai thác lợi thế về đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng cường giải pháp khai thác nguồn thu từ quỹ đất thông qua việc kêu gọi các nhà đầu tư đấu thầu các dự án phát triển khu dân cư, khu đô thị; đấu giá quyền sử dụng đất… Phát triển đô thị gắn với xây dựng đô thị thông minh giúp nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế xã hội, tối ưu hoá nguồn lực phát triển, nâng cao chất lượng sống của người dân…; xây dựng và áp dụng chính sách phù hợp, bao trùm để hỗ trợ người thu nhập thấp trong khu vực kinh tế phi chính thức…

Đối với hạt nhân phát triển:  Con người

Quy hoạch tỉnh lần này xác định hạt nhân phát triển là con người. Tập trung vào phát triển nguồn nhân lực cho các ngành trụ cột phát triển của tỉnh, đặt con người làm hạt nhân phát triển theo định hướng của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

0908 551 477