Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đưa ra nhận định trên khi phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam với chủ đề “Kết nối Việt Nam với hệ sinh thái bán dẫn Đông Nam Á”, diễn ra ngày 29/9. Đây là sự kiện thường niên thảo luận về các cơ hội hợp tác, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam có đủ năng lực phát triển công nghiệp bán dẫn
Khẳng định Việt Nam có đủ năng lực phát triển công nghiệp bán dẫn, Bộ trưởng đưa ra 5 luận điểm. Thứ nhất, hệ thống chính trị nước ta được đánh giá ổn định với vị trí địa lý thuận lợi. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, chú trọng việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam.
Thứ hai, Việt Nam có một lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn. Cùng với đó là những đơn vị nghiên cứu, đào tạo uy tín trong lĩnh vực bán dẫn như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Bách Khoa Hà Nội. Đặc biệt, các doanh nghiệp lớn có nguồn lực và sẵn sàng hợp tác phát triển ngành bán dẫn như Viettel, VNPT, FPT, CMC.
Thứ ba, Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn đến từ các quốc gia phát triển trên thế giới.
“Hơn 2 tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến thăm Việt Nam và nâng cấp mối quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện. Tuyên bố chung của hai quốc gia đã xác định một trong các nội dung hợp tác chiến lược là về đổi mới sáng tạo, trong đó có phát triển ngành công nghiệp bán dẫn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin thêm.
Thứ tư, Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các công ty, tập đoàn ngành bán dẫn. Các dự án đầu tư ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao, được áp dụng những ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật.
Thứ năm, Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và 3 khu công nghệ cao tại TPHCM, Hòa Lạc và Đà Nẵng, sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao. NIC và các khu công nghệ cao này sẽ là cầu nối quan trọng để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn Việt Nam.
Tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam – Đông Nam Á
Cũng tại hội nghị, bà Linda Tan, Chủ tịch Hiệp hội SEMI Đông Nam Á cho rằng, bất chấp những thách thức toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện khả năng phục hồi và khả năng thích ứng vượt trội trong năm 2022, khẳng định vị thế của Việt Nam như là một ngọn hải đăng của sự ổn định và tăng trưởng. Ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đang trên đà phát triển, với nhiều tiềm năng và lợi thế. Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn.
“Hiệp hội SEMI Đông Nam Á cam kết đóng vai trò dẫn đầu trong việc giúp phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong khu vực, giúp Việt Nam nâng cao vị thế trong hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn Đông Nam Á và chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu”, bà Linda Tan chia sẻ.
Đồng quan điểm với đại diện Hiệp hội SEMI Đông Nam Á, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đánh giá tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam, Đông Nam Á cũng như các nước trong ngành công nghiệp bán dẫn là vô cùng lớn và có nhiều ý nghĩa đối với sự phát triển chung của khu vực và các quốc gia trên thế giới. Hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp cùng phát huy, khai thác lợi thế của mỗi bên, mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp và cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ngành công nghiệp bán dẫn của khu vực.
“Chúng tôi khuyến khích các tập đoàn sản xuất đã có hoạt động tại Việt Nam nghiên cứu mở rộng hoạt động. Các tập đoàn chưa có hoạt động tại Việt Nam thì tìm hiểu các cơ hội để đầu tư vào Việt Nam với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi tại các khu công nghệ cao TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Về phía Bộ Thông tin và Truyền thông, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết Việt Nam đang có những bước tiến lớn trong công cuộc phát triển nền kinh tế, trong đó đổi mới công nghệ bằng cách chuyển đổi kỹ thuật số được kỳ vọng sẽ là động lực chính cho việc tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thập kỷ này. Việt Nam đã sẵn sàng cho sự mở rộng đột phá của ngành công nghiệp bán dẫn.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp cùng các cơ quan liên quan nhằm thúc đẩy sự phát triển chuỗi cung ứng bán dẫn tại Việt Nam và trong khu vực; hợp tác chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng bán dẫn Đông Nam Á và là cầu nối cho sự phát triển của ngành bán dẫn trong khu vực, có vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi ngành bán dẫn toàn cầu trong những năm tới./.