Công bố ước tính tác động của thiên tai đối với nông nghiệp

Báo cáo mới của FAO cho thấy thiệt hại đối với ngành trồng trọt và chăn nuôi trị giá khoảng 3,8 nghìn tỷ USD trong 30 năm qua.

Theo báo cáo mới của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), trong 30 năm qua, sản lượng trồng trọt và chăn nuôi trị giá khoảng 3,8 nghìn tỷ USD đã bị thiệt hại do thiên tai, tương ứng với 123 tỷ USD mỗi năm hoặc 5% tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp toàn cầu hàng năm (GDP).

Báo cáo có tựa đề “Tác động của thiên tai đối với nông nghiệp và an ninh lương thực” đưa ra ước tính toàn cầu đầu tiên về tác động của thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, tập trung vào trồng trọt và chăn nuôi. Báo cáo lưu ý, con số này có thể cao hơn nếu có sẵn hệ thống dữ liệu về tổn thất đối với ngành thủy sản, nuôi trồng thủy sản và lâm nghiệp. Qua đó báo cáo nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện dữ liệu và thông tin về tác động của thiên tai đối với tất cả các ngành nông nghiệp để tạo ra các hệ thống dữ liệu có thể đóng vai trò nền tảng để xây dựng và đưa ra hành động hiệu quả.

Theo đó, trong ba thập kỷ qua, thiên tai – được định nghĩa là sự gián đoạn nghiêm trọng đối với hoạt động của một cộng đồng hoặc xã hội – đã gây ra tổn thất cao nhất đối với các quốc gia có thu nhập trung bình thấp và thấp, lên tới 15% GDP nông nghiệp. Thiên tai cũng tác động đáng kể đến các quốc đảo nhỏ đang phát triển (SIDS), với con số thiệt hại gần 7% GDP nông nghiệp.

Tổn thất theo nhóm sản phẩm

Theo báo cáo, tổn thất liên quan đến các sản phẩm nông nghiệp chính đang có xu hướng gia tăng. Cụ thể, tổn thất đối với các loại ngũ cốc trung bình ở mức 69 triệu tấn mỗi năm trong ba thập kỷ qua, tương đương sản lượng ngũ cốc của Pháp vào năm 2021. Tiếp theo là trái cây, rau quả và mía, với mức thiệt hại trung bình mỗi năm là 40 triệu tấn. Đối với rau quả, thiệt hại tương đương với sản lượng rau quả của Nhật Bản và Việt Nam năm 2021.

Ước tính thiệt hại đối với mặt hàng thịt, sản phẩm sữa và trứng trung bình 16 triệu tấn/năm, tương đương sản lượng thịt, sản phẩm sữa và trứng của Mexico và Ấn Độ năm 2021.

Sự khác biệt về khu vực

Tổn thất toàn cầu cho thấy sự khác biệt đáng kể giữa các khu vực, vùng và nhóm quốc gia. Theo báo cáo, cho đến nay, khu vực châu Á chịu phần lớn nhất trong tổng thiệt hại kinh tế. Châu Phi, châu Âu và châu Mỹ cũng có mức độ lớn tương tự. Tuy nhiên, tổn thất ở châu Á chỉ chiếm 4% giá trị gia tăng nông nghiệp, trong khi ở châu Phi, con số này tương ứng gần 8%. Sự khác biệt thậm chí còn cao hơn giữa các vùng.

Thiệt hại về nông nghiệp cao hơn ở các nước thu nhập cao, trung bình thấp và trung bình cao, nhưng các nước thu nhập thấp, đặc biệt là SIDS chịu tỷ lệ thiệt hại cao nhất về giá trị gia tăng nông nghiệp.

Tác động chồng chất của thiên tai

Các sự kiện thiên tai đã tăng từ 100 mỗi năm trong những năm 1970 lên khoảng 400 mỗi năm trên toàn thế giới trong 20 năm qua. Các sự kiện thiên tai không chỉ gia tăng về tần suất, cường độ và độ phức tạp mà tác động còn được dự đoán sẽ trở nên tồi tệ hơn, do các thảm họa khí hậu gây ra sẽ làm gia tăng các lỗ hổng xã hội và sinh thái hiện có.

Báo cáo nhấn mạnh, khi các mối nguy hiểm xuất hiện, chúng có thể tạo ra các tác động theo tầng trên nhiều hệ thống và lĩnh vực. Các nguyên nhân cơ bản gây ra rủi ro thiên tai bao gồm biến đổi khí hậu, nghèo đói và bất bình đẳng, tăng trưởng dân số, tình trạng khẩn cấp về sức khỏe do đại dịch gây ra, các hoạt động như quản lý và sử dụng đất không bền vững, xung đột vũ trang và suy thoái môi trường.

Mức độ mất mát và thiệt hại do thảm họa gây ra phụ thuộc vào tốc độ và quy mô không gian mà tại đó thảm họa tương tác với tình trạng dễ bị tổn thương và các yếu tố rủi ro tồn tại từ trước, cùng với số lượng tài sản hoặc sinh kế bị ảnh hưởng.

Trong những trường hợp cực đoan, thảm họa dẫn đến sự di dời và di cư của người dân nông thôn. Lũ lụt lớn do mưa gió mùa bất thường gây ra ở tỉnh Sindh phía nam Pakistan là một ví dụ minh họa về sự kết hợp của các mối nguy hiểm xảy ra chậm và đột ngột đã gây ra sự di dời, tác động tiêu cực đến hệ thống nông sản thực phẩm và làm tăng tình trạng mất an ninh lương thực.

Hướng tới khả năng phục hồi cao hơn của hệ thống nông nghiệp thực phẩm

Nông dân, đặc biệt là các hộ sản xuất nhỏ canh tác trong điều kiện trời mưa, là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong hệ thống nông nghiệp thực phẩm và phải gánh chịu hậu quả nặng nề của thiên tai. Hỗ trợ áp dụng các biện pháp thực hành tốt giảm thiểu rủi ro thiên tai ở cấp trang trại có thể giúp nông dân quy mô nhỏ tránh thiệt hại và nâng cao khả năng phục hồi của họ. Đầu tư vào các biện pháp thực hành tốt giảm thiểu rủi ro thiên tai ở cấp trang trại có thể mang lại hiệu quả tốt hơn trung bình 2,2 lần so với các biện pháp thực hành đã áp dụng trước đây.

Các biện pháp can thiệp chủ động và kịp thời nhằm ứng phó với các mối nguy hiểm được dự báo là rất quan trọng nhằm xây dựng khả năng phục hồi bằng cách ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro trong nông nghiệp. Ví dụ, hành động dự đoán được thực hiện ở một số quốc gia đã chứng minh tỷ lệ lợi ích/chi phí thuận lợi khi đầu tư vào phòng chống và ứng phó thảm họa. Báo cáo cho thấy, với mỗi 1 USD đầu tư vào hành động phòng ngừa, các gia đình ở nông thôn có thể thu được tới 7 USD lợi ích và tránh được thiệt hại về nông nghiệp.

Cuối cùng, báo cáo nêu ra ba ưu tiên hành động chính bao gồm: cải thiện dữ liệu và thông tin về tác động của thiên tai đối với tất cả các lĩnh vực nông nghiệp; phát triển và lồng ghép các phương pháp tiếp cận giảm thiểu rủi ro thiên tai đa ngành và đa thiên tai vào chính sách và chương trình ở tất cả các cấp; và tăng cường đầu tư vào khả năng phục hồi nhằm mang lại lợi ích trong việc giảm thiểu rủi ro thiên tai trong nông nghiệp và cải thiện sản xuất nông nghiệp và sinh kế.

__________________________________________________

Công ty CP Lập dự án Á Châu: Nhận viết dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, dân dụng, hoàn thiện hồ sơ để xin chủ trương đầu tư, vay vốn ngân hàng, xin giao đất, sx nông nghiệp… được thực hiện bởi các chuyên gia giàu kinh nghiệm. Cam kết thực hiện Nhanh – Uy Tín – Chuyên nghiệp. Tư vấn hỗ trợ 24/7. hotline: 0908 551 477.

0908 551 477